Thực hư chuyện đậu bắp chữa tiểu đường
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Bột Tẩy Uế chính hiệu, sản phẩm không thể thiếu của mọi nhà !!!
Gần đây có một tài liệu phổ biến trên internet chỉ dẫn một bài thuốc như sau: lấy hai trái đậu bắp, cắt bỏ một tí đầu và đuôi, sau đó, cắt đôi theo chiều dọc rồi cho vào ngâm trong ly nước nguội, đậy lại qua đêm. Sáng hôm sau, trước khi ăn sáng, vớt bỏ hai trái đậu bắp ra rồi uống hết ly nước ngâm đó. Uống mỗi ngày, sau hai tuần sẽ thấy đường trong máu xuống một cách không ngờ.
Chất nhầy trong đậu bắp chứa thành phần chất xơ hoà tan và những hoạt chất quan trọng khác nên có thể đã cho tác dụng ổn định đường huyết. Ảnh: Cameron.
Thực hư về bài thuốc này?
Nghiên cứu khoa học về công dụng đậu bắp
Đậu bắp còn gọi là mướp tây, bắp chà, tên khoa học Abelmoschus esculentus, thuộc họ Malvaceae. Đậu bắp là một loại rau quả phổ biến có nhiều chất bổ dưỡng như: hợp chất polyphenol, chất chống ôxy hoá, các sinh tố C, A, B1, B2, B6, khoáng chất kẽm, sắt, canxi và nhiều chất xơ, chất nhầy.
Hạt đậu bắp cũng là nguồn cung cấp chất đạm và chất béo tốt. Từ lâu, dân gian nhiều nơi đã biết sử dụng thân, lá và quả non đậu bắp để trị các chứng tiểu khó, bệnh lậu; rễ và lá non chữa ho khan, viêm họng…
Gần đây, những thí nghiệm tại khoa y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM đã cho thấy cao lỏng được chế từ thân và lá cây đậu bắp có tác dụng hạ đường huyết trên chuột thí nghiệm.
Các nhà khoa học đã xác định liều từ 10g đến 40g/kg thể trọng có tác dụng hạ đường huyết trên chuột thí nghiệm. Liều có tác dụng hạ đường huyết ổn định nhất là 30g/kg thể trọng. Ở liều này, cao lỏng đậu bắp hạ đường huyết có ý nghĩa thống kê từ thời điểm 40 phút và kéo dài đến 90 phút.
Sau 90 phút, đậu bắp làm hạ 47,34% nồng độ đường huyết so với nhóm đối chứng không điều trị. Qua so sánh với insulin, tác dụng của đậu bắp không mạnh bằng insulin, không gây hạ đột ngột như insulin nhưng ổn định hơn và không có nguy cơ gây tụt huyết áp xuống dưới mức bình thường.
Có thể uống nhưng phải thận trọng
Trong những năm gần đây khi số người mắc bệnh tiểu đường tăng cao và phong trào sử dụng thảo dược để trị bệnh trở nên phổ biến, đã xuất hiện nhiều bài thuốc dùng đậu bắp, hoặc độc vị hoặc phối hợp với một số thảo dược khác, để ổn định đường huyết.
Có người ăn nhiều đậu bắp hàng ngày hoặc dùng thân, lá hoặc quả đậu bắp phơi khô rồi phối hợp với một số thảo dược như mướp đắng, lá ổi, lá sakê… sắc uống để chữa tiểu đường. Chưa có nghiên cứu khoa học nào kết luận hiệu quả điều trị của những trường hợp này, nhưng nhiều bệnh nhân đã khẳng định có tác dụng ổn định đường huyết rất tốt.
Trở lại bài thuốc chỉ dẫn uống nước ngâm của hai trái đậu bắp, như đã nói ở trên, chất nhầy trong đậu bắp chứa thành phần chất xơ hoà tan và những hoạt chất quan trọng khác nên có thể đã cho tác dụng ổn định đường huyết. Một số tài liệu y khoa cũng đã kết luận chất xơ hoà tan có tác dụng tốt trong ổn định đường huyết.
Chất nhầy trong đậu bắp tiết ra thông qua những mặt cắt ngang, dọc thân trái và dễ hoà tan vào môi trường nước, kể cả nước ở nhiệt độ thường. Qua nhiều giờ ngâm, chất nhầy hoà tan vào nước biểu thị rõ bằng độ sánh trong nước tăng lên. Lượng chất nhầy trong trái non cao hơn nhiều so với thân hay lá.
Dù sao, đậu bắp vẫn là loại rau quả bổ dưỡng, dùng nhiều hơn số cần thiết vẫn không gây độc hại nên bà con có thể dùng thử bài thuốc đó.
Tuy nhiên, để bảo đảm vệ sinh, có thể ngâm bằng nước sôi rồi để nguội dần. Ngoài ra, cần theo dõi lượng đường huyết hàng ngày để đối chiếu kết quả và tìm ra liều lượng tối thiểu phù hợp với bản thân.
Riêng việc phối hợp và gia giảm với các loại thuốc tân dược hay đông dược khác, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
Không nên ảo tưởng chữa dứt tiểu đường
Hiện nay, bên cạnh những yếu tố về môi trường, chế độ ăn uống thực phẩm công nghiệp nhiều chất béo, ít chất xơ và lối sống tĩnh tại, ít vận động là nguyên nhân chính đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ bệnh tiểu đường. Tất cả các loại thuốc dù thuốc bắc, thuốc tây hay thảo dược đều chỉ có giá trị giúp ổn định đường huyết trong nhất thời. Thuốc không thể chữa dứt điểm căn bệnh. Chúng khác nhau ở chỗ có phản ứng phụ hay không hoặc có thêm tác dụng giúp cải thiện chức năng các cơ quan hoặc tăng cường thêm sức đề kháng của cơ thể hay không. Do đó, không nên có ảo tưởng về một loại thực phẩm chức năng, thảo dược hoặc một bài thuốc gia truyền nào có thể chữa dứt căn bệnh này trong điều kiện y học hiện nay.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Leave a Reply