Quả mướp an thai, trị tắc tia sữa
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Bột Tẩy Uế chính hiệu, sản phẩm không thể thiếu của mọi nhà !!!
Mướp, các loại quen thuộc là mướp khía (Luffa acutangula (L.) Roxb.) và mướp ta, mướp hương (Luffa cylindrica (L.) M. Roem.), đều thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Cây thảo leo, có lá mọc so le, dạng tim, có 5 – 7 thùy có răng. Hoa đơn tính, hoa đực thành chùm dạng chùy, hoa cái mọc đơn độc. Quả dài 25 – 30 cm hay hơn, rộng 5 – 8 cm, thuôn hình trụ, khi già thì khô, bên trong có nhiều xơ dai. Mướp khía có lá hơi chia thùy, hoa nhạt màu hơn, quả có khía (cạnh lồi nhọn). Mướp ta hay mướp hương có lá chia 5 thùy, quả không có khía, không có góc.
Phân bố và sinh thái: Nhân dân ta thường trồng mướp vào mùa xuân để lấy quả vào mùa hè, mùa thu.
Chế biến làm thực phẩm: Quả mướp non có thịt trắng và vị nhạt, thường dùng nấu canh với thịt, tôm hay đậu phộng (lạc) giã nhỏ, hoặc xào ăn với thịt, tôm.
Người ta đã biết thành phần dinh dưỡng của mướp theo g%: protid 0,9, glucid 3, cellulose 0,5 và theo mg%: calcium 28, phosphor 45, sắt 0,8, ?-caroten 160, vitamin B1 có 0,04 và vitamin C 8.
Sử dụng làm thuốc: Nhiều bộ phận của cây mướp được sử dụng làm thuốc.
Quả mướp: Hải Thượng Lãn Ông đã viết trong Lĩnh Nam bản thảo:
“Ty qua tục gọi là quả mướp,
Vị ngọt ấm lành, trừ nhiệt thấp,
Lợi tiện, tiêu đờm, khỏi thũng ung,
Đậu sang dễ mọc, sữa thông gấp”.
Quả mướp có vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, tiêu đờm, làm mát máu, giải độc, chữa chứng đậu sởi, thông kinh mạch, thông sữa, khỏi lở sưng, đau nhức và bổ khí, an thai. Nó có tính chất làm kích thích sự tiết sữa ở các bà mẹ nuôi con và tăng cường sự tuần hoàn của máu. Mặt khác, nó có thể xem như vị thuốc làm dịu, vì có một lượng lớn chất nhầy. Phụ nữ đẻ ít sữa thường nấu mướp với chân giò heo để ăn hoặc hàng ngày ăn canh mướp hương nấu với đậu phộng hoặc mè (vừng) giã nhỏ.
Xơ mướp có vị ngọt, tính bình, có tác dụng kháng viêm, thông mạch, lợi tiểu. Được chỉ định dùng trị đau thấp khớp, chứng đau cơ, đau ngực, mất kinh, viêm vú, tắc tia sữa, phù thũng và dùng cầm máu.
– Chữa tắc tia sữa: Dùng quả mướp cả hạt khô, đốt tồn tính (đốt cháy đen nhưng không ra bột), tán bột uống với rượu, mỗi lần 8 g, và dùng xoa đắp ngoài sẽ thông.
– Phụ nữ kinh nguyệt không thông hoặc hành kinh không được: Dùng quả mướp khô đốt tồn tính, tán bột uống vào lúc sáng sớm với rượu.
– Trĩ ra huyết, trực tràng ra huyết, phụ nữ xuất huyết tử cung: Dùng xơ mướp đốt tồn tính, tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 g.
Lá mướp: Có vị đắng và chua, tính hơi lạnh, có tác dụng kháng viêm, làm long đờm, chống ho. Thường dùng trị ho, ho gà, đau đầu khát nước vào mùa hè. Dùng ngoài trị chảy máu vết thương, bệnh ecpet mảng tròn, chốc lở.
Chữa trẻ em lở đầu: Dùng lá mướp giã nhỏ vắt lấy nước cốt tẩm vào. Để trị nước ăn chân, dùng lá mướp vò nát, xát lên chỗ ngứa. Để trị vết loét lâu bồi, dùng lá mướp khô đốt tồn tính, tán bột mịn, rắc lên vết thương ngày 1 – 2 lần (sau khi đã rửa vết thương bằng nước muối sinh lý 9%). Phối hợp với bột nghệ vàng dùng rắc lên vết thương đang lên da non cũng tốt.
Hạt mướp: Có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thông mạch, chống ho, làm long đờm. Dùng chữa ho và đờm dãi nhiều, bệnh giun đũa và táo bón.
Rễ mướp: Có vị ngọt, tính bình, có tác dụng kháng viêm, thường dùng chữa viêm mũi, viêm xoang. Chữa các loại lở ngứa chảy nước: nấu nước rễ mướp già ngâm rửa.
Tua cuốn của mướp dùng chữa đau thắt lưng, ho, viêm mũi, viêm khí quản. Liều dùng: xơ mướp, lá 10 – 15 g, hạt 5 – 10 g, tua cuốn 30 – 60 g và rễ 15 – 30 g sắc uống.
Theo KHPT
Leave a Reply