CÔNG DỤNG CÁC VỊ THUỐC ĐÔNG Y (KỲ 36): LOẠI THANH NHIỆT LƯƠNG HUYẾT
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Bột Tẩy Uế chính hiệu, sản phẩm không thể thiếu của mọi nhà !!!
Loại thuốc này phần lớn vào phần huyết, có tác dụng thanh giải huyết nhiệt, Thích dụng với nhiều bệnh vào phần huyết, huyết nhiệt chạy càn gây thổ huyết, nục huyết và do huyết nhiệt phát ban, nóng trong xương, sốt về chiều, đêm sốt sớm mát…Bệnh nhiệt dễ làm hại âm, hao tân dịch. Những vị Địa hoàng, Huyền sâm thuộc loại này vừa thanh nhiệt lương huyết, vừa dưỡng âm tăng tân dịch. Do đó bệnh nhiệt hại âm cũng được chọn dùng. Loại này có 5 vị thông dụng là:
1.Sinh địa hoàng
Tên khác: Sinh Địa, Can địa hoàng
Tên khoa học: Radix Rehmanniae glutinosae
Nguồn gốc: Rễ củ phơi hay sấy khô của cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.), họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae) gọi là Sinh địa,, sau khi chế biến theo một quy trình nhất định gọi là Thục địa.
Tính vị: Vị ngọt, đắng, tính mát
Quy kinh: Vào kinh tâm, thận, can
Hoạt chất: b-Sitosterol, Manitol, Stigmasterol, Campesterol, Rehmannin, Catalpol, Arginine, Glucose
Thành phần hoá học chính: Iridoid glycosid, acid amin, caroten.
Dược năng: Thanh nhiệt, lương huyết, thanh tâm hỏa, tư âm, sinh tân
Công dụng:
-Sinh địa dùng làm thuốc chữa ho ra máu, đỏ máu cam, băng huyết, lậu huyết, tiểu ra máu, tiểu đường, tâm thần không yên, mất ngủ.
-Thục địa làm thuốc bỏ huyết, điều kinh, chữa thận suy, chóng mặt, ù tai, râu tóc bạc sớm.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày 12-40g, dưới dạng thuốc sắc. Là thành phần có trong các bài thuốc Bát vị, Lục vị, Thập toàn đại bổ, Hoàn hà xa đại tạo…
Chủ trị:
– Trị lao thương, hư tổn, ứ huyết, tiểu ra huyết, bổ ngũ tạng, thông huyết mạch, thêm khí lực, sáng tai mắt.
– Nhiệt tà xâm nhập phần huyết biểu hiện như khô miệng, lưỡi đỏ sẫm và rêu lưỡi mỏng: dùng Sinh địa với Huyền sâm, Tê giác và Mạch đông.
– Âm và dịch cơ thể bị tiêu hao ở giai đoạn cuối của bệnh do sốt gây ra biểu hiện như sốt về đêm, giảm về sáng và không ra mồ hôi dùng Sinh địa hoàng với Tri mẫu, Thanh hao và Miệt giáp.
– Xuất huyết do nhiệt thịnh biểu hiện như nôn ra máu, chảu máu cam, tiểu ra máu, tiêu ra máu và chảy máu tử xung chức năng dùng Sinh địa hoàng với Trắc bách diệp và Hà diệp.
– Bệnh do sốt kèm nhiệt độc quá mức trong máu, chảy máu cam và xuất huyết dưới da: Dùng Sinh địa hoàng với Tê giác, Mẫu đơn bì và Xích thược.
– Bệnh do sốt kèm tiêu hao dịch của cơ thể biểu hiện như lưỡi đỏ miệng khô, khát và uống nhiều nước: Dùng Sinh địa hoàng với Ngọc trúc, Mạch đông, Sa sâm và Thạch hộc. Nếu có táo bón dùng Sinh địa hoàng với Huyền sâm và Mạch đông.
Kiêng kỵ:
– Vị khí hư hàn, đầy bụng, dương khí suy, ngực đầy không nên dùng
– Phụ nữ có thai không dùng
2.Mẫu đơn bì
Tên khác: Đan bì, Đơn bì.
Tên khoa học: Cortex Paeoniae suffruticosae
Nguồn gốc: Vỏ rễ khô của cây của cây Mẫu đơn (Paeonia suffruticosa Andr.), họ Hoàng liên (Ranunculaceae).
Vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.
Tính vị: Vị cay, đắng, tính hàn
Quy kinh: Vào kinh tâm, can, thận
Hoạt chất: Paeonol, paeonoside, paeonolide, paeoniflorin, oxypaeoniflorin, campesterol
Thành phần hoá học chính: Có một glycosid khi thuỷ phân cho paenol (C9H10O3) và glucose, alcaloid, saponin.
Dược năng: Hạ hư hỏa, thanh huyết nhiệt, hoạt huyết, tán ứ huyết, thanh can nhiệt, giảm sưng
Công dụng: Chữa phát ban, nôn ra máu, chảy máu cam, kinh nguyệt bế tắc, ung nhọt, kinh giản co giật.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 5-10g, dưới dạng thuốc sắc.
Chú ý:
Phụ nữ có thai không nên dùng
Không nhầm với cây Đơn đỏ họ Cà phê thường được gọi là Mẫu đơn
Chủ trị:
– Dùng sống: trị phát ban, kinh giản, lao nhiệt, sang lở.
– Tẩm rượu sao: trị kinh bế, sang lở, hòn cục.
– Sao cháy: trị thổ huyết, đổ máu cam, tiểu tiện ra huyết.
– Bệnh do sốt gây ra mà nhiệt gây bệnh vào máu biểu hiện như sốt, nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu ra máu, dát sần và lưỡi đỏ sẫm: Dùng Mẫu đơn bì với Sinh địa hoàng, Tê giác và Xích thược.
– Bệnh do sốt giai đoạn cuối kèm mất nước hoặc âm hư biểu hiện như sốt về đêm, kéo dài đến sáng, không ra mồ hôi, lưỡi đỏ kèm màng mỏng, mạch nhanh và yếu: Dùng Mẫu đơn vì với Tri mẫu, Sinh địa hoàng, Miệt giáp và Thanh hao.
– Ứ huyết biểu hiện như vô kinh, ít kinh, khối u và hạch cứng: Dùng Mẫu đơn vì và Đào nhân, Quế chi, Xích thược và Phục linh trong bài Quế Chi Phục Linh Hoàn.
Kiêng kỵ:
– Phụ nữ có thai, kinh lượng nhiều không dùng
– Âm hư mà hay đổ mồ hôi không dùng
– Kỵ Bối mẫu, Đại hoàng, Thỏ ty tử, tỏi
3.Địa cốt bì
Tên khác: Rễ câu kỷ, Tính cốt bì, Địa tiên, Tử kim bì, Địa cốt quan, Phục trần chiên
Tên khoa học: Cortex Lycii Sinensis
Nguồn gốc: Dược liệu là vỏ rễ phơi khô của cây Khủ khởi hay cây Câu kỷ (Lycium sinense Mill.), họ Cà (Solanacaeae).
Cây này có trồng ở nước ta, vị thuốc chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Tính vị: Vị ngọt nhạt, tính hàn
Quy kinh: Vào kinh phế, can, thận
Hoạt chất: Ancalioit, saponin, betaine, lyciumins A, B; kukoamine
Thành phần hoá học chính: Chất thơm, saponin, alcaloid.
Dược năng: Thanh nhiệt, lương huyết (chuyên chữa nóng trong xương), sinh tân, chỉ khát.
Công dụng:
Chữa sốt, giải nhiệt, ho ra máu, đổ mồ hôi trộm, buồn bực háo khát, đi tiểu ra huyết.
Liều Dùng: 6 – 15g
Chủ trị:
– Trị sốt về chiều do âm hư, sốt lâu ngày không lui. – Địa cốt bì có vị ngọt tính chìm, mà rất lạnh, chuyên để lui mồ hôi, lao nhiệt nóng trong xương, hỏa phục ở thận và phế, bổ ích khí của can, mát huyết, mát xương, trừ tà khí trong ngũ tạng, tiêu khát, nhiệt ở trung tiêu, cùng trừ nhiệt ở cơ thịt, lợi đại tiểu tiện. Trị nóng trong xương, công ngang với Đơn bì, nhưng Đơn bì giải chứng không ra mồ hôi, so với Tri, Bá đắng và hàn sao bằng Cốt bì ngọt mà hàn, hạ khí của dạ dầy. Sách nói rằng: Ruột trơn thì cấm dùng Câu kỷ tử, hàn lạnh ở trong thì cấm dùng Địa cốt bì (Hải Thượng Lãn Ông – Dược phẩm vậng yếu, tập Thủy – Đơn bì cùng với Địa cốt bì đều có tác dụng thanh âm và thanh nhiệt ẩn núp trong âm phận, có thể trị lao nhiệt nóng bức rức trong xương. Nhưng, vị Đơn bì lạnh mà vị cay, thích hợp trong chứng không ra mồ hôi, còn vị Địa cốt bì lạnh mà vị ngọt, thích hợp trong trường hợp chứng có mồ hôi (Trung dược giảng nghĩa).
– Địa cốt bì là vỏ rễ của cây Câu kỷ, vị ngọt tính hàn. Tuy với Đơn bì cũng là thuốc chữa cốt chưng, nhưng Đơn bì vị cay, chữa được nóng âm ỉ trong xương không ra mồ hôi, còn Địa cốt bì có vị ngọt chữa được chứng âm ỉ trong xương có mồ hôi. Đơn bì lại vốn thuộc loại vào huyết phận, tán ứ, mồ hôi là huyết, không có mồ hôi mà thấy huyết ứ thì mùi cay hàn là thích hợp nhất. Nếu nóng âm ỉ trong xương mà có mồ hôi, dùng Đơn bì cay phát tán, thì quả thật làm cho mồ hôi bị cướp đoạt và mát máu chăng. Nội kinh nói, nhiệt tà ở bên trong, tả bằng vị ngọt tính mát, nó là Địa cốt bì. Theo Địa cốt bì vào phế giáng hỏa, vào thận, mát huyết, mát xương, hễ nội nhiệt mà thấy sốt tiểu nhiệt ở cơ da, bí đại tiểu tiện, ngực sườn đau nhói, hễ ở đầu đau do phong, ở biểu thấy sốt cơn vô định, ở phế thấy tiêu khát, ho không ngừng đều dùng thuốc này để giải. Người đời nay chỉ biết Cầm, Liên để chữa hỏa ở thượng tiêu, biết Bá để chữa hỏa ở hạ tiêu, mà không biết ý nghĩa ngọt nhạt hơi lạnh của Địa cốt bì, cực kỳ bổ âm thoái nhiệt vậy, thường có công hiệu đặc biệt. Lý Đông Viên ghi rằng Địa là âm, Cốt là lý, là bí tiểu, dùng thuốc này vừa chữa nối nhiệt không sinh, lại chữa tà phù du (di động) ở biểu lý, đều khỏi cả, đây là thuốc biểu lý, trên dưới đều chữa, mà ở phần dưới lại càng cần thiết hơn, nhưng tỳ vị hư hàn thì cấm dùng. Khi dùng ngâm nước Cam thảo đề dùng (Hoàng cung Tú – Bản thảo cầu chân, Thanh).
Kiêng kỵ:
– Địa cốt bì chuyên thanh hư nhiệt hễ bị ngoại cảm phong hàn phát sốt thì cấm dùng.
– Tỳ Vị hư hàn cấm dùng.
Chú ý:
Hiện nay trên thị trường sử dụng vị thuốc Hương gia bì (Periploca sepium Bge.) dưới tên Địa cốt bì.
Quả chín phơi khô của cây Khủ khởi gọi là Câu kỷ tử.
4.Tê giác
Tên khác: Sừng tê
Tên khoa học: Cornu Rhinoceri
Tính vị: Vị đắng, mặn, tính hàn
Quy kinh: Vào kinh tâm, can, vị
Hoạt chất: Keratin, eukeratin, proteins, peptides, amino acids, cholesterol
Dược năng: Tả nhiệt, thanh huyết, giải độc, cầm máu
Liều Dùng: 1 – 2g
Chủ trị:
– Dùng trị các chứng nhiệt nặng, kinh phong, nôn ra máu, chảy máu cam. Dùng trong thuốc tán, không dùng để sắc. Tê giác là loài đang được bảo vệ, sừng tê rất quý và hiếm. Thường được thay thế bằng vị Ngưu giác.
Kiêng kỵ:
– Phụ nữ có thai không dùng
– Không có thực nhiệt không dùng
– Ô đầu phản tác dụng của Tê giác
5.Sài hồ
Tên khoa học: Radix Bupleuri
Nguồn gốc: Dược liệu là rễ của cây Bắc sài hồ (Bupleurum chinense DC.) hoặc Hiệp diệp sài hồ (Sài hồ lá hẹp – Bupleurum scorzononaefolium Wild.), họ Cần (Apiaceae).
Vị thuốc phải nhập hoàn toàn từ Trung Quốc.
Tính vị: Vị đắng, cay, tính mát
Quy kinh: Vào kinh can, đởm, tâm bào, tam tiêu
Hoạt chất: Bupleurumol, adonitol, spinasterol, oleic acid, linolenic acid, palmitic acid, stearic acid, lignoceric acid, saikosaponin, daikogenin, longispinogenin, rutin, bupleurumol, quercetin
Thành phần hoá học chính: Tinh dầu, saponin.
Dược năng: Giảm sốt, hòa lý, phát tán phong nhiệt
Công dụng: Chữa cảm sốt, ngực sườn đầy tức, sốt rét, chóng mặt nhức đầu, trĩ, rối loạn kinh nguyệt.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 4-8g dạng thuốc sắc, hoàn tán. Không dùng cho người huyết áp cao.
Chú ý:
Trên thực tế chữa bệnh ở Việt Nam người ta dùng rễ phơi hay sấy khô của cây Sài hồ nam (Pluchea pteropoda Hemsl.), họ Cúc (Asteraceae), còn gọi là cây Lức, Hải sài.
Rễ, thân, cành cây Cúc tần (Pluchea indica Less.), họ Cúc cũng được dùng với tên gọi Sài hồ nam.
Liều Dùng: 3 – 12g
Chủ trị:
– Hòa giải thoái nhiệt: chủ yếu chữa tà khí phạm kinh Thiếu Dương, sốt rét (ngược tật), sốt, kèm theo đắng miệng, nhức mỏi, nôn mửa
– Sơ can giải uất: trị hoa mắt, ù tai, kinh nguyệt không đều, can khí uất trệ, trẻ con bị đậu, sởi, tiêu chảy do tỳ khí suy kiệt (do can khắc tỳ)
– Thăng đề dương khí: dùng với các vị bổ khí trị các chứng khí hư hạ hãm, tiêu chảy, sa dạ con, trĩ lòi dom
Chú thích: Tất cả các toa cổ phương đều dùng Sài hồ bắc.
Kiêng kỵ:
Ho do âm hư, can hỏa thượng viêm lên đến đầu dùng với liều nhỏ
Lương y Nguyễn Hùng
Chủ biên Blog Sức Khỏe
Leave a Reply