Cà dược độc làm thuốc
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Bột Tẩy Uế chính hiệu, sản phẩm không thể thiếu của mọi nhà !!!
Bạn Nguyễn Văn Y. ở Mỹ Tho viết: Trong vườn nhà tôi có rất nhiều cây cà dược mọc hoang, có người bảo phải nhổ bỏ vì là cây có độc, lại có người bảo đó là cây thuốc tốt! Vậy nhờ báo KHPT viết cho một bài về cây này.
– Bạn không mô tả cây “Cà dược” nhà bạn như thế nào và cũng không gởi mẫu để xác định nên cũng khó trả lời. Vậy bạn Y. có thể tham khảo bài viết sau đây:
Cà độc dược (Datura metel) còn có tên Dương kim hoa, Náo dương hoa (vì loài Dê thường ăn tạp, khi ăn phải trái, hoa, lá Cà độc dược thì ngộ độc, điên loạn, la, chạy tứ tung). Trẻ con cũng thỉnh thoảng bị ngộ độc vì ăn nhằm trái (nên khi trồng trong vườn nhà phải rào cẩn thận!).
Cây sống một năm, cao 0,5 – 2 m, không lông, thân lục hay tím. Lá to, hình xoan, dài 10 – 15 cm hay hơn, phiến lá bất xứng ở đáy, mũi lá nhọn. Hoa cô độc hay từng đôi ở nách lá, hình loa kèn, đứng (chỉ thiên), cao 10 – 20 cm, màu trắng hay tim tím. Trái nang, tròn có nhiều gai nhọn nhưng mềm. Khi chín nở thành 4 mảnh, trong có nhiều hột màu nâu lợt. Trồng hay mọc hoang khắp các cao độ, thấy nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
– Lá và hoa thường dùng để trị hen suyễn, ho. Lá, hoa tươi xắt sợi, phơi khô dùng giấy vấn như điếu thuốc lá để dành. Khi sắp bị lên cơn suyễn, hút một vài hơi cho hạ cơn suyễn thì ngưng, để tránh ngộ độc (không quá 1,5 gram sợi lá khô/24 giờ). Liều dùng để uống rất thấp: từ 0,3 đến 0,6 gram (30 đến 60 centigram lá khô/lần, không quá 2 lần/ngày), dưới dạng bột lá hay viên, trong các bệnh hen suyễn, ho, giảm đau trong đau quặn bụng vì co thắt cơ trơn và thấp khớp. Chữa nôn mửa, đau dạ dày, đau ruột: mỗi lần uống 10 – 15 giọt thuốc rượu ngâm lá (1/10, tức 100 g bột lá khô trong 1 lít rượu 70 độ).
Các nghiên cứu hiện đại chứng minh trong cành lá mang hoa của Cà độc dược khô chứa 0,1 đến 0,6% alcaloid, phần lớn là scopolamin và một ít atropin, hyoscyamin, norhyoscyamin. Tỷ lệ alcaloid này trong rễ khoảng 0,1 – 0,2%, hột 0,2 – 0,5%, trái 0,12% và hoa 0,25 – 0,6%.
Các alcaloid Cà độc dược làm liệt đối giao cảm thần kinh. Chúng chẹn thụ thể muscarinic của acetylcholin nên có tác dụng chống co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp, chống đau quặn bụng, đau do co thắt ở thận, đường tiểu, hen suyễn, chống liệt rung Parkinson, say tàu xe. Nó ức chế sự bài tiết nước bọt, mồ hôi, dịch vị, dịch đường hô hấp, giảm nhu động ruột. Do đó khi bị ngộ độc Cà độc dược, bệnh nhân sẽ có triệu chứng: khô miệng, khô da, táo bón, nở đồng tử, tăng nhãn áp (hoa mắt), tim đập nhanh. Tác động trên hệ thần kinh trung ương, alcaloid Cà độc dược gây bồn chồn, lo âu, ảo giác, hoang tưởng có thể la hét, hành động như người điên, nên dân gian cũng gọi là Cà điên.
Tóm lại, Cà độc dược là vị thuốc tốt, nhưng người không chuyên môn, không có dụng cụ cân lường chính xác thì không nên dùng để tránh nguy hiểm.
Cà độc dược gai tà
Gần giống loài trên nhưng trái có gai tà chứ không dài nhọn. Tên khoa học là D. inoxia Mill. Công dụng và lưu ý như loài trên.
Đại cà độc dược
Còn gọi Đại cà dược, cây hoa Loa kèn (Brugmansia suaveolens) gần giống Cà độc dược nhưng thân to vạm vỡ hơn nhiều, cao đến 4 – 5 m, thích hợp trồng ở vùng cao nguyên như Đà Lạt (hoa to, nặng, nên chúc xuống đất). Cũng chứa các alcaloid có độc tính như hai loài trên. Trồng làm cảnh, nên rào chắn tránh trẻ con vì dễ gây ngộ độc!
Theo yhoccotruyen
Leave a Reply