Bị trĩ hãy ăn nhiều mộc nhĩ
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Bột Tẩy Uế chính hiệu, sản phẩm không thể thiếu của mọi nhà !!!
Mộc nhĩ, nấm tai mèo hay nấm mèo, tên khoa học là Auricularia auricula (L. ex Hook.) Underw., thuộc họ mộc nhĩ (Auriculariaceae). Nấm mọc trên cây gỗ, thường là gỗ mục. Thể quả của nó có hình dạng giống cái tai, mặt ngoài màu nâu nhạt, có lông mịn, mặt trong màu nâu sẫm. Nấm mọc trên thân cành hay gỗ của nhiều loài cây, lành nhất là nấm của các cây hòe, dâu, sung, mít, dướng, ruối, sắn, so đũa… Ngoài việc thu hái mộc nhĩ mọc tự nhiên, người ta thường trồng mộc nhĩ trên gỗ cây mít, thân cây khoai mì, cây so đũa để có sản lượng nhiều và bảo đảm phẩm chất tốt.
Công dụng: mộc nhĩ là một loại rau khô, được sử dụng rất nhiều trong việc chế biến thực phẩm, như xào với các loại rau, thịt, làm nhân bánh mặn (như bánh khoai vạc chiên), làm bánh đa nem, làm chả đùm, nấu vịt tiềm, làm dồi, chưng cá bống tượng, nấu chè, nấu trần nấm không cần thịt, nấu với lẩu thịt…
Người ta đã biết thành phần dinh dưỡng của mộc nhĩ tính theo g%: protid 10,6, lipid 0,2, glucid 65, cellulose 7, và theo mg%: calcium 357, phosphor 201, sắt 56,1, ?-caroten 20, vitamin B1 0,15.
Mộc nhĩ là một vị thuốc. Trong Lĩnh nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông ghi:
“Mộc nhĩ là tên nấm tai mèo
Mọc từ gỗ mục khỏi cần gieo,
Nhẹ mình, mạnh chí và ích khí,
Lỵ, băng, nước mắt hiệu công nhiều”.
Nấm này có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, thông mạch, cầm máu. Ăn nhiều thì nhẹ mình, nhớ lâu, quang nước mắt. Thường được sử dụng chữa chứng nhiệt lỵ, trĩ, đau răng.
– Chữa đi lỵ ra máu, dùng 20 g mộc nhĩ sao, tán bột, uống làm 3 lần.
– Chữa bệnh trĩ lâu ngày, nấu mộc nhĩ ăn.
– Chữa đau răng, dùng mộc nhĩ và kinh giới sắc lấy nước ngậm và súc miệng.
Ở Trung Quốc, người ta dùng mộc nhĩ chữa: suy nhược toàn thân và thiếu máu, ho; khái huyết, trĩ xuất huyết, chảy máu cam, xuất huyết tử cung; huyết áp cao, táo bón. Dùng 10 – 30 g dạng thuốc sắc.
– Chữa suy nhược: mộc nhĩ 30 g, chà là đỏ 30 g sắc uống.
– Trĩ xuất huyết, táo bón: mộc nhĩ 6 g, hồng khô 30 g nấu chè ăn.
– Huyết áp cao, xơ cứng tiểu động mạch, chảy máu võng mạc: mộc nhĩ 30 g ngâm trong nước một đêm, rồi đem hấp chín với đường trong 1 – 2 giờ, dùng ăn trước khi đi ngủ.
Ở nước ta còn có nhiều loại mộc nhĩ khác như: mộc nhĩ sừng – Auricularia corena (Fr.) Ehrenb., mộc nhĩ nhăn – A. delicata (Fr.) P. Henn., mộc nhĩ hồng – A. fuscosuccinea (Mont.) Forlow., mộc nhĩ lông – A. polytricha (Mont.) Sacc., mộc nhĩ vẩy – A. mesenterica (Dicks.) Pers., đều dùng ăn được
Theo KHPT
Leave a Reply