Bài thuốc đông y chữa mề đay
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Bột Tẩy Uế chính hiệu, sản phẩm không thể thiếu của mọi nhà !!!
Mề đay là một bệnh dị ứng ngoài da, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đông y gọi bệnh mề đay là phong chẩn, y học hiện đại cho rằng mề đay (mày đay) là một hội chứng hơn là một bệnh.
Triệu chứng lâm sàng thường là: trên da có những sẩn hay mảng hồng, nổi cộm, ngứa, giới hạn tròn hay không đều, có thể từ 10mm – 20mm, xuất hiện đột ngột rồi biến mất trong vài phút hay vài giờ. Triệu chứng như thế diễn tiến kéo dài nhiều ngày (dạng cấp tính) hay vài tháng (dạng mạn tính).
Các nguyên nhân gây ra mề đay thường thấy là:
Yếu tố vật lý: chấn thương nhẹ ở da, áp suất môi trường, ánh nắng mặt trời, nhiệt độ cao, nhiệt độ thấp…
Yếu tố tiếp xúc: cây cỏ, phấn hoa, hóa chất…
Yếu tố thông thường: dị ứng dược phẩm, thức ăn (trứng, sữa, tôm, cá, ốc, sò, dầu ăn, ngũ cốc…), dị ứng nấm, viêm nhiễm (tai, mũi, họng, răng, đường tiết niệu sinh dục, siêu vi gan…). Ngoài ra còn có yếu tố di truyền…
Để chữa trị mề đay, Đông y chia làm hai thể:
1. Mề đay phong hàn thấp: Thường gặp ở những người bị dị ứng do lạnh, những mảng mề đay có màu trắng hoặc hơi hồng, người bệnh có cảm giác nặng nề, nước tiểu trắng hoặc hơi đục, rêu lưỡi trắng nhờn và dày.
Cách chữa:
– Kinh giới 16g, tía tô 12g, ké đầu ngựa 16g, quế chi 8g, lá lốt 8g, gừng tươi 6g, ý dĩ 10g, thổ phục linh 12g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 250ml, chia hai lần uống trước bữa ăn, uống thuốc khi còn ấm.
– Lá cây đắng cay, còn gọi là cây sẻn gai (Zanthoxylum planispium Sieb. Et Zucc) 30g tươi hoặc 20g khô, vò nát. Nấu 50g đậu đen xanh lòng với một lít nước, khi đậu chín mềm thì cho lá đắng cay vào, đun sôi 15 – 20 phút. Lấy nước chia làm hai uống trước bữa ăn.
– Lá đơn mặt trời 50g – 60g tươi hoặc 30g khô, nấu với 750ml nước, sắc còn 250ml, chia hai lần uống trước bữa ăn. Dùng lá khế chua tươi (không kể liều lượng), rửa thật sạch, vò nát hoặc giã nhuyễn, bọc vào túi vải sạch, xát vào chỗ nổi mề đay.
2. Mề đay thể phong nhiệt: Da nổi mề đay màu hồng tươi, người nóng bứt rứt, miệng khô khát, đi cầu táo bón, đi tiểu nóng, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng.
Cách chữa:
– Kim ngân hoa (hoặc cả cành, lá) 16g – 20g, bồ công anh 12g, ké đầu ngựa 16g, kinh giới 16g, lá dâu 16g, thổ phục linh 16g, bèo cái (lấy lá bỏ rễ) 12g, rễ tranh 10g, mã đề 8g, cam thảo nam 8g. Nấu với một lít nước, sắc còn 200ml, chia hai lần uống trước bữa ăn, uống thuốc nguội.
– Lá bèo cái (bèo tai tượng, phù bình, bèo ván – Pistiastratiotes L.) 100g tươi (hoặc 40g khô), lá muồng trâu 12g – 16g tươi (hoặc 4g – 8g khô), cỏ mần trầu 10g, lá tre 10g. Nấu với 750ml nước sắc còn 200ml, chia hai lần uống trước bữa ăn.
Dùng ngoài: có thể lấy hạt gấc mài với giấm để bôi lên chỗ mề đay, hoặc dùng lá mù u, vỏ núc nác nấu nước để tắm; cũng có thể dùng nước ép lá sống đời, lá lô hội, thịt quả bí đao đắp lên chỗ ngứa.
Bị bệnh mề đay mạn tính cần tìm biết nguyên nhân để tránh (dị ứng nguyên), đồng thời có biện pháp phòng ngừa như: tránh gãi nhiều lên chỗ ngứa; không ăn các loại thức ăn lạ, nếu thích thì chỉ thử từng ít một; tránh các bệnh viêm nhiễm, có thể dẫn tới dị ứng… Tập luyện thể dục thể thao vừa sức, tập khí công, dưỡng sinh, yoga để tăng cường hô hấp, giúp da ngày càng khỏe hơn, ít bị dị ứng hơn.
Leave a Reply