Bài thuốc chữa sỏi tiết niệu từ dân gian
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Bột Tẩy Uế chính hiệu, sản phẩm không thể thiếu của mọi nhà !!!
Có thể dùng một số bài thuốc cổ truyền và dân gian để chữa sỏi tiết niệu. Tuy nhiên, cần tham khảo thêm ý kiến của người có chuyên môn để việc dùng thuốc đạt hiệu quả.
Dùng quả dứa
Theo lương y Vũ Quốc Trung, sỏi đường niệu là hiện tượng kết sỏi ở đường tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và một số trường hợp có cả sỏi niệu đạo (thường là do sỏi từ bên trên đi xuống). Bệnh hay xảy ra ở người lớn tuổi, ít xảy ra ở trẻ em, bệnh thường có tiền sử lâu dài qua nhiều năm. Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị sỏi niệu, như uống thuốc nội khoa cho tan sỏi; tán sỏi ngoài cơ thể; phẫu thuật để lấy sỏi…
Theo kinh nghiệm dân gian, nếu sỏi còn nhỏ dưới 10 mm, có thể dùng bài thuốc từ quả dứa và phèn chua để chữa. Phèn chua là một vị thuốc mà đông y gọi là khô phân, minh phân, khi tác dụng với a-xít hữu cơ có trong quả dứa sẽ làm tăng tính a-xít, nhờ vậy có tác dụng làm tan sỏi. Quả dứa có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hóa. Nước quả dứa nhuận tràng, tiêu tích trệ. Nõn của dứa thanh nhiệt giải độc, dịch ép lá và quả chưa chín có tác dụng nhuận tràng và tẩy. Rễ dứa thì lợi tiểu, chữa sỏi tiết niệu, tiểu tiện không thông.
Để chữa sỏi tiết niệu, bài thuốc từ quả dứa mà người ta hay dùng đó là lấy một quả dứa gọt vỏ, khoét một lỗ rồi cho vào đó một ít phèn chua (khoảng 0,3g) rồi cho nước vào và đậy nắp lại đem nấu đến chín mềm. Sau đó ăn các miếng dứa và uống cả nước. Dùng liên tục trong 7 ngày, nhiều người bệnh dùng cách này cho kết quả tốt.
Ngoài ra, để chữa sỏi niệu, theo lương y Quốc Trung, y học cổ truyền còn có các bài thuốc khác. Y học cổ truyền cho rằng, sỏi tiết niệu phần nhiều thuộc chứng thấp nhiệt ở hạ tiêu, làm cho cặn lắng nước tiểu bị đọng lại, sỏi nhỏ gọi là “sa lâm”, sỏi to gọi là “thạch lâm”. Sỏi niệu có nhiều thể khác nhau, và các bài thuốc điều trị tương ứng với từng thể.
Chẳng hạn, với thể thấp nhiệt, bệnh có những triệu chứng: đi tiểu ra máu, tiểu nhiều lần, tiểu buốt kèm theo đau bụng, miệng đắng, họng khô, bụng dưới tức trướng, thì dùng bài thuốc trị gồm các vị thuốc: kê nội kim, mộc thông, hoa hòe (mỗi vị 9g), biển súc, sơn chi, cù mạch (mỗi vị 12g), hoàng thạch, xa tiền tử, tiên hạc thảo, hải sa kim (mỗi vị 15g), kim tiền thảo 30g, đại hoàng, cam thảo (mỗi vị 6g).
Với thể can uất khí trệ, bệnh thường biểu hiện gồm tiểu ra máu, tiểu gắt và buốt, ấn vào vùng thận thì đau, phần ngực sườn trướng tức, thì dùng bài thuốc gồm các vị: ý dĩ, kê nội kim, uất kim, đào nhân, chỉ xác, đại phúc bì (mỗi vị 8g), kim tiền thảo 40g, xa tiền tử 20g, ngưu tất 12g.
Với thể thận âm suy hư, biểu hiện bệnh gồm thường tiểu tiện ra máu, bụng dưới trướng đầy, lưng gối mềm yếu, đầu choáng, tai ù, ra mồ hôi trộm, lưỡi đỏ, thì sử dụng bài thuốc gồm các vị hoàng bá, đương quy, tri mẫu, thục địa, trạch tả (mỗi vị 12g), kê nội kim, mộc thông (mỗi vị 9g), cam thảo, sơn thù (mỗi vị 6g), kim tiền thảo 30g, hải sa kim, xa tiền tử, hoàng kỳ (mỗi vị 15g).
Cách sắc (nấu) các bài thuốc trên là: cho các vị thuốc vào nồi đất cùng với 3 chén nước, nấu còn lại 1 chén, cho nước thuốc ra, tiếp tục cho 2 chén nước vào nấu còn lại nửa chén. Hòa hai nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày.
Leave a Reply