CHDC Congo: Dịch Ebola bùng phát và vượt tầm kiểm soát
Khám bệnh Online hoàn toàn miễn phí bởi Lương y Nguyễn Hùng
Bột Tẩy Uế chính hiệu, sản phẩm không thể thiếu của mọi nhà !!!
Ngày 6/11, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) Robert Redfield cho biết dịch Ebola đang bùng phát tại Cộng hòa dân chủ Congo hiện ở mức rất nghiêm trọng.
Các chuyên gia y tế quốc tế đang xem xét nguy cơ không thể kiểm soát được dịch bệnh và dịch Ebola sẽ tồn tại dai dẳng ở tỉnh Bắc Kivu, Đông Bắc Cộng hòa dân chủ Congo, giáp biên giới Uganda.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, nếu nguy cơ trên trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên dịch Ebola tồn tại dai dẳng kể từ khi căn bệnh do virus chết người này được xác định vào năm 1976.
Trong tất cả các đợt bùng phát trước đó, dịch Ebola hầu hết xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa và được kiểm soát kịp thời.
Là đợt dịch thứ 10, bùng phát vào tháng 8 vừa qua, đợt dịch Ebola hiện nay tại Cộng hòa dân chủ Congo đã ghi nhận khoảng 755 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 186 ca tử vong.
Giám đốc CDC Redfield cho rằng đây là một thách thức mới, buộc nhà chức trách phải cân nhắc liệu có thể ngăn chặn, kiểm soát và chấm dứt đợt dịch Ebola hiện nay, hay với tình hình an ninh hiện tại phải tính đến tình huống chưa bao giờ thực sự phải đối mặt – dịch Ebola sẽ tồn tại dai dẳng ở Bắc Kivu.
Trong trường hợp đó, nhân viên y tế phải tiến hành tiêm chủng vắcxin trên diện rộng, thay vì chiến lược hiện nay là chỉ tiêm vắcxin cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao do đã tiếp xúc với người bệnh.
Chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dịch dựa trên theo dõi những người tiếp xúc với bệnh nhân, vốn từ lâu được áp dụng như chuẩn mực, sẽ không thực sự hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm Đảm bảo sức khỏe Johns Hopkins, ông Tom Inglesby, đánh giá nếu dịch Ebola tồn tại dai dẳng ở Bắc Kivu, nghĩa là giới chức y tế mất khả năng theo dõi các mối liên hệ, kiểm soát các chuỗi lây nhiễm và ngăn chặn sự bùng phát. Theo kịch bản đó, loại virus chết người này sẽ lây lan mạnh mẽ và không thể dự đoán được, tác động lớn tới du lịch và thương mại.
Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) Stephen Morrison cho rằng cần có quyết tâm chính trị ở cấp cao để cải thiện an ninh, đào tạo và triển khai nhân viên y tế cộng đồng, cũng như giành được lòng tin của người dân. Đây là tình huống phức tạp, nghiêm trọng và phải chuẩn bị để đối phó trong thời gian dài.
Khoảng 60-80% số ca nhiễm mới tại Bắc Kivu được xác định không có liên hệ dịch tễ học với các trường hợp nhiễm bệnh, gây khó khăn đối với nhân viên y tế trong theo dõi và kiểm soát lây lan.
Giữa tháng 10 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ “quan ngại sâu sắc” bởi diễn biến của dịch Ebola ở Cộng hòa dân chủ Congo, nhưng tình trạng dịch bệnh vẫn chưa được công bố là trường hợp khẩn cấp toàn cầu.
Các quan chức của CDC, CSIS và WHO lo ngại dịch Ebola có thể lây sang cảng thương mại lớn và khu vực đô thị Butembo thuộc tỉnh Bắc Kivu, đe dọa khoảng 6 triệu dân của tỉnh này.
Tình hình càng khó khăn hơn khi vùng đang có dịch Ebola thuộc Bắc Kivu cũng là khu vực chiến sự, với hàng chục nhóm vũ trang hoạt động và các vụ bạo lực liên tục leo thang trong những tuần gần đây, gây khó khăn rất lớn cho kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, cộng đồng dân cư có tâm lý phản kháng, nhiều bệnh nhân từ chối điều trị tại trung tâm y tế, một số nhân viên y tế cũng đang bị nhiễm bệnh Ebola.
Cùng ngày 7/11, Bộ Y tế Uganda phối hợp với WHO bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh Ebola cho nhân viên y tế và nhân viên tình nguyện tại năm quận, huyện biên giới giáp tỉnh Bắc Kivu của Cộng hòa dân chủ Congo có nguy cơ cao và sẽ tiếp tục được triển khai ở 17 quận, huyện lân cận. Uganda là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm chủng phòng dịch Ebola khi chưa có ca nhiễm bệnh nào được ghi nhận.
Leave a Reply